News

4 thực phẩm nên có trong bữa ăn của mỗi gia đình

Theo Health, kẻ thù của cơ thể là các gốc tự do. Chúng được sản sinh liên tục bởi quá trình chuyển hóa trong cơ thể và các tác động từ bên ngoài. Ước tính, mỗi tế bào phải hứng chịu sự tấn công của 10.000 gốc tự do mỗi ngày. Gốc tự do làm hư hại các tế bào, là nguồn gốc gây lão hóa và hơn 100 loại bệnh nguy hiểm như tiểu đường, tim mạch, ung thư…

Nước cam rất tốt cho sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật. Ảnh: Health.

Nghiên cứu cho thấy một số loại thực phẩm có tác dụng khống chế gốc tự do và những tác hại chúng gây ra cho cơ thể. Do vậy, bạn nên bổ sung các thực phẩm này vào khẩu phần ăn hàng ngày của gia đình mình:

Trái cây

Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như nho, kiwi, việt quất và các loại quả mọng được chứng minh giúp giảm tổn hại mà các gốc tự do gây ra.

Hợp chất chống oxy hóa flavonoids được tìm thấy nhiều trong quả cam còn hạn chế tác hại của thức ăn nhiều chất béo và calo gây hại cho tim. Nghiên cứu cho thấy những người uống nước cam buổi sáng giảm đáng kể lượng gốc tự do gây hại và một số tác nhân gây viêm khác liên quan đến bệnh tim.

Dấm

Một muỗng cà phê dấm trong bữa ăn (như rưới lên dĩa xà lách) có thể giảm lượng đường cao trong máu. Chỉ số đường trong máu cao kéo dài là nguyên nhân gây tổn hại các tủy.

Rượu vang

Rượu vang đặc biệt tốt cho những người ăn nhiều chất béo. Các chất chống oxy hóa trong rượu vang có tác dụng khống chế những ảnh hưởng tiêu cực chất béo lên hệ tim mạch. Do vậy nên chế biến thức ăn với một ít rượu vang hoặc mỗi người thưởng thức một ly trong bữa tối. Tuy nhiên, chỉ nên dùng trong giới hạn một ly mỗi ngày, không nên lạm dụng.

Cà chua

Chất lycopene được tìm thấy trong quả cà chua có tác dụng hỗ trợ cơ thể chống lại bệnh tật bao gồm cả ung thư. Cà chua có thể thái lát ăn sống hoặc làm nước sốt, nấu canh…

Read More

Có nên kiêng hoàn toàn chất béo trong bữa ăn hằng ngày?

Nhiều người sợ chất béo gây nhiều bệnh nên kiêng ăn hoàn toàn, các chuyên gia cho rằng quan niệm này không tốt, nhất là với trẻ nhỏ.
Theo phó giáo sư – tiến sĩ Lê Bạch Mai, Viện Dinh dưỡng, không nên kiêng hoàn toàn chất béo, mà ăn hợp lý. Chất béo gồm dầu, mỡ thuộc nhóm chất dinh dưỡng chính và có nhiều vai trò cần thiết cho cơ thể. Đó là nguồn sinh năng lượng quan trọng. Một gam chất béo khi đốt cháy trong cơ thể cho 9 kcal trong khi một gam đạm hay bột chỉ hình thành 4 kcal.

Chất béo là thành phần quan trọng của nhiều chất cần thiết đối với cơ thể. Chất béo tham gia cấu tạo màng tế bào và dịch thể của các tổ chức, đặc biệt là não. Nó giúp cho sự phát triển sớm về trí tuệ và thể lực của trẻ em vì nó giữ vai trò quan trọng đối với hệ thần kinh trung ương của trẻ.

Các thực phẩm giàu chất béo tốt cho sức khỏe. Ảnh: H.M.

Dầu mỡ là dung môi tốt để hòa tan các vitamin A, D, E, K là những vitamin có nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể. Cơ thể muốn hấp thu và sử dụng tốt các vitamin này phải cần có dầu mỡ. Các thiếu hụt về chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày ảnh hưởng đến chức phận nhiều cơ quan, đặc biệt là cơ quan thần kinh. Do vậy, đối với trẻ em, khẩu phần cần đảm bảo đủ chất béo.

Tiến sĩ Đỗ Thị Phương Hà, Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng nhấn mạnh, một bữa ăn cân đối cần có đủ các nhóm thực phẩm ở tỷ lệ cân đối là ngũ cốc, thực phẩm giàu đạm, thực phẩm giàu chất béo và thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất và hạn chế các thực phẩm chứa nhiều muối, đường.

Bên cạnh đó cần lưu ý, mỗi người trưởng thành mỗi ngày trung bình nên ăn khoảng 25-30 g dầu, mỡ tương đương 5-6 thìa cà phê dầu, mỡ. Hạn chế ăn mỡ động vật vì chứa nhiều chất béo bão hòa. Tuy nhiên mỡ cá và mỡ gia cầm có nhiều chất béo chưa bão hòa, đặc biệt omega 3, 6, 9 có lợi cho sức khỏe.

Các loại dầu thực vật thường chứs nhiều chất béo chưa bão hòa nên có tác dụng tốt cho tim mạch và được khuyến khích tiêu thụ như dầu đậu nành, dầu mè, dầu hướng dương, dầu hạt cải… Một số loại dầu thực vật chứa nhiều chất béo bão hòa (như dầu cọ) thì không nên ăn nhiều.

Đồng thời, không nên ăn quá nhiều các món xào, rán, nướng và tăng cường món luộc, hấp để giảm mất mát chất dinh dưỡng và biến đổi thực phẩm gây tác hại cho sức khỏe. Dầu, mỡ để rán chỉ dùng một lần rồi bỏ, không dùng lại nhiều lần; hạn chế ăn đồ nướng vì làm tăng nguy cơ gây ung thư. Thực phẩm chế biến sẵn có nhiều chất béo (snack, khoai tây chiên, bim bim, gà rán, thịt nướng, pizza…) cũng là nguồn cung cấp năng lượng đáng kể, nếu tiêu thụ quá nhiều dễ gây thừa cân béo phì, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Read More

Bác sĩ sản khoa: ‘Sinh con thuận theo tự nhiên’ là đi ngược sự tiến hóa

Trước thông tin một số bà mẹ gần đây sinh con theo cái gọi là “thuận theo tự nhiên”, các bác sĩ sản khoa lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

Tiến sĩ Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho rằng, sản phụ tự sinh tại nhà mà không có sự giám sát của nhân viên y tế thì sẽ vô cùng nguy hiểm khi gặp tình huống băng huyết, đờ tử cung, ngôi ngược, tràng hoa quấn cổ, nhau tiền đạo… “Ngày xưa các cụ có câu ‘chửa cửa mả’, vì trước đây đa phần phụ nữ tự sinh con tại nhà nên tỷ lệ chết mẹ, chết con rất cao”, tiến sĩ Quyết nói.

Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y khoa Thái Hà (Hà Nội) khẳng định “sinh con tại nhà thuận theo tự nhiên” là cách sinh “quay lại thời tiền sử, đi ngược lại với sự tiến hóa”. Trường hợp mẹ con sống sót chỉ là may mắn. Đồng quan điểm với tiến sĩ Quyết, bác sĩ Dung nhận định, trong quá trình sản phụ chuyển dạ có thể xảy ra các tai biến trầm trọng như băng huyết, vỡ tử cung, nhiễm trùng, mất tim thai, uốn ván sơ sinh, thậm chí tử vong mẹ lẫn con… Trong đó nguy cơ đờ tử cung gây băng huyết là biến chứng nguy hiểm nhất, gây tử vong hàng đầu ở bà mẹ. Nếu không được cấp cứu, truyền máu kịp thời, sản phụ có thể tử vong chỉ trong vòng 30 phút.

Bên cạnh đó, nếu ngôi thai nằm bất thường, em bé quá to sẽ không chào đời tự nhiên được. Nếu ngôi thai ngược thì sản phụ không thể tự đẻ thường. Nhiều trường hợp ngôi thai thuận nhưng quá trình chuyển dạ dài cũng có thể dẫn đến suy thai. Trong khi đó, sinh nở tại cơ sở y tế có y bác sĩ phụ giúp, mọi chỉ số sinh tồn của bà mẹ và em bé như tim thai, bánh nhau, nước ối, tình trạng nhiễm độc thai nghén.. đều được theo dõi sát.

Bác sĩ Dung cũng phản đối quan điểm không cắt dây rốn cho trẻ ngay khi vừa sinh mà để tự rụng. “Một miếng thịt để 6 tiếng đồng hồ ở ngoài trời sẽ bị thiu, vậy mà bánh nhau sổ khi mẹ sinh nở nằm bên cạnh con 6 ngày không cắt thì tình trạng sẽ như thế nào”, bác sĩ Dung phân tích. Khi bánh nhau bị phân hủy, vi khuẩn hoàn toàn có thể theo dây rốn xâm nhập vào bé sơ sinh gây nhiễm trùng máu.

Tiến sĩ Bùi Chí Thương, giảng viên bộ môn Phụ sản, Đại học Y dược TP HCM thì lý giải mối nguy khi sinh đẻ tại nhà thuận theo tự nhiên sẽ làm tăng nguy cơ rách tầng sinh môn phức tạp ở người mẹ. Sản phụ lúc rặn sinh em bé không đúng cách có thể tự làm rách nát cửa mình, rách tới hậu môn khiến khả năng khâu phục hồi khó khăn và có thể để lại di chứng són phân hay rò âm đạo trực tràng sau này. Quá trình sinh tại nhà cũng làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường hay lây nhiễm bệnh cho người xung quanh nếu lỡ bánh nhau có mang mầm bệnh trong bào thai mà không được xử lý rác y tế phù hợp.

Tại Bệnh viện Từ Dũ, sau khi chào đời, bé được bác sĩ đưa đến “da kề da” một cách tự nhiên với mẹ. Ảnh: Lê Phương.

Xu hướng “sinh thuận theo tự nhiên” trên thế giới

Trên thế giới từ năm 1974 khái niệm “sinh tự nhiên” đã xuất hiện tại Mỹ và Australia với tên gọi là liên sinh (lotus birth). Theo đó, liên sinh là một dạng thực hành sinh con mà cha mẹ giữ nguyên dây rốn của đứa bé dính liền kèm với bánh nhau cho đến khi dây rốn và bánh nhau tự hủy.

Theo xu hướng này, các bà mẹ chọn sinh con tại nhà. Thay vì cắt rốn vài phút sau khi bé chào đời, bà mẹ để bánh nhau nối liền với đứa bé, đặt bánh nhau trong một cái tô hoặc một loại túi đặc biệt, cho vào đó muối hạt hoặc hoa lavender. Thay túi hàng ngày và giữ bánh nhau như thế cho đến khi bánh nhau phân hủy và dây rốn rụng tự nhiên khỏi cơ thể đứa bé, thường khoảng ba đến 10 ngày, thậm chí hai tuần sau.

Những người ủng hộ trào lưu này cho rằng sự tiếp xúc kéo dài với bánh nhau giúp em bé dễ thích nghi với môi trường mới bên ngoài tử cung, giảm stress, nhận được tất cả các chất dinh dưỡng từ bánh nhau, bao gồm cả các tế bào gốc và lượng máu dồi dào còn lại. Họ cho rằng việc cắt rốn sớm có thể gây tổn thương và stress không cần thiết cho đứa bé. Những người theo trào lưu này còn hình tượng hoá tôn vinh bánh nhau như một biểu tượng cho sự khởi nguồn dinh dưỡng đầu đời của em bé.

Trào lưu này trỗi dậy mạnh mẽ vào năm 2008 từ một số bà mẹ ở Anh, dấy lên làn sóng phản đối trong giới y học. Các chuyên gia sản khoa cảnh báo việc bánh nhau nối liền với em bé nhiều ngày sau khi sinh có thể dẫn đến nhiễm trùng. Mô nhau chứa đầy máu. Một thời gian ngắn sau sinh, khi dây rốn ngừng đập, máu sẽ không còn tuần hoàn trong bánh nhau và bánh nhau trở thành mô chết. Để cơ thể em bé thông nối với mô chết đang phân hủy sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, gây nguy hiểm tính mạng bé sơ sinh.

Hiệp hội sản phụ khoa Anh sau đó đã đưa ra cảnh báo về trào lưu liên sinh, khẳng định chưa có nghiên cứu khoa học nào cũng như không có bằng chứng chứng tỏ liên sinh có thể mang lại lợi ích cho trẻ sơ sinh. Hơn nữa nguy cơ nhiễm trùng trẻ rất lớn.

“Sinh con thuận theo tự nhiên” ở Việt Nam

Sinh con “thuận theo tự nhiên” gần đây được một số bà mẹ hưởng ứng. Bộ Y tế lo ngại xu hướng này trở thành một trào lưu rộng rãi và khuyến cáo các bà mẹ không nên áp dụng sinh con tại nhà mà không có y bác sĩ hỗ trợ, không cắt dây rốn, không chích ngừa văcxin.

Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) nhấn mạnh, sinh con theo tự nhiên không có nghĩa là để mặc sản phụ tự xoay xở tại nhà. Ngay từ khi mang thai, người mẹ phải đến cơ sở y tế để được theo dõi, kiểm soát và lựa chọn hình thức sinh phù hợp, đảm bảo an toàn cho cả mẹ lẫn con.

“Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo việc cắt rốn cho bé cần được thực hiện 1-3 phút sau khi sổ nhau, thực hiện da kề da mới có lợi cho bé”, bác sĩ Mỹ Nhi chia sẻ.

Các bác sĩ khẳng định, sản phụ đến viện sinh nở luôn được bác sĩ xử trí “tuân theo tự nhiên”. Đó là để cho người mẹ đủ ngày đủ tháng, khi chuyển dạ thì theo dõi đẻ thường. Sản phụ muốn đẻ mổ sớm cũng không được bác sĩ đồng ý. “Tự nhiên” là sau khi sinh em bé cho ấp da kề da, bú mẹ ngay, cắt rốn chậm… Chỉ những trường hợp khó như thai to, thai ngược, mẹ có bệnh lý… bác sĩ mới có can thiệp phẫu thuật để giảm nguy cơ cho cả mẹ lẫn con.

Read More

Phụ nữ phương Tây sinh ‘thuận theo tự nhiên’ như thế nào

Kể về quyết định của mình, Louis 30 tuổi chia sẻ vợ chồng cô mệt mỏi vì những lời khuyên khác nhau và sự xuất hiện của người lạ nên thống nhất sinh bé thứ tư theo cách “thuận tự nhiên”. Để hạn chế rủi ro, Louis siêu âm đều đặn, kiểm tra vị trí thai nhi đồng thời dặn nhân viên hộ sinh sẵn sàng có mặt nếu cô gặp khó khăn.

Đến thời điểm chuyển dạ, Louis ngồi vào bể bơi nhỏ đổ đầy nước. Cô không bị đau đớn như những lần lâm bồn trước đây. Sáu tiếng đồng hồ kể từ cơn co thắt đầu tiên, con gái Louis cất tiếng khóc chào đời.

Manh nha từ những năm 1970 ở phương Tây, sinh nở “thuận tự nhiên” (freebirth) là hình thức “vượt cạn” không can thiệp y tế. Tuy cùng diễn ra ở nhà riêng, sinh nở thuận tự nhiên khác với sinh tại gia (homebirth). Đối với sinh tại gia, sản phụ vẫn được chuyên gia sản khoa giám sát, hỗ trợ.

Đến nay, chưa công trình khoa học nào thống kê chính xác số lượng phụ nữ sinh tự nhiên, song các bác sĩ nhận định trào lưu này đang ngày càng trở nên phổ biến. Thông thường, các bà mẹ lựa chọn sinh tự nhiên sau những trải nghiệm tiêu cực tại bệnh viện hoặc do cảm thấy ở nhà dễ chịu hơn. Trên thực tế, nếu sản phụ sợ hãi hoặc mất phương hướng, cơ thể họ sẽ rơi vào trạng thái chiến đấu khiến hormone không hoạt động hiệu quả, cản trở quá trình sinh con.

Những cá nhân ủng hộ phương pháp “sinh thuận tự nhiên” lập luận, tốt nhất con người nên tin vào tạo hóa. “Cơ thể chúng tôi tự biết phải làm gì”, Joanne Purdie, một bà mẹ từng sinh tự nhiên cho biết. “Tôi đã chứng kiến mèo đẻ và chúng trải qua điều đó rất dễ dàng. Chúng chỉ làm điều mà tự nhiên muốn”.

Vợ chồng Louis bên em bé được sinh bằng phương pháp thuận tự nhiên. Ảnh: INews.

Chia sẻ với The Guardian, Mervi Jokinen, Chủ tịch Hội Hộ sinh châu Âu khẳng định rất ít chuyên gia ủng hộ sinh thuận tự nhiên. “Hầu hết phụ nữ đều muốn và cần được giúp sức khi lâm bồn. Đó là lý do chúng tôi tồn tại”, Chủ tịch Hội Hộ sinh nhấn mạnh.

Đặc biệt, không ai dám chắc chắn sinh thuận tự nhiên an toàn 100%. Một phụ nữ với nguy cơ biến chứng cực thấp vẫn có thể đối mặt với bất trắc. “Không phải lúc nào chúng ta cũng đoán được mọi tình huống khẩn cấp”, bác sĩ Daghni Rajasingam, chuyên gia sản khoa tại Bệnh viện Guy’s and St Thomas nói. Trường hợp em bé bị kẹt vai hoặc sản phụ xuất huyết, sự can thiệp ngay lập tức của chuyên gia là rất cần thiết, nếu không sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, thậm chí cả cái chết.

Y văn thế giới từng ghi nhận các ca tử vong do sinh thuận tự nhiên. Năm 2012, truyền thông Australia đưa tin sản phụ Janet Fraser vô tình khiến con gái Roisin tử vong chỉ vì quyết tâm tin tưởng phương pháp này. Kết quả điều tra cho thấy bé Roisin bị dây rốn quấn quanh cổ mà những người có mặt (bao gồm chồng và bạn của Janet) không biết cách hồi sức tim phổi cho bé.

Tóm lại, sinh nở như thế nào là quyền của mỗi bà mẹ. Thế nhưng, các chuyên gia khuyến cáo thai phụ suy nghĩ thật cẩn thận trước khi sinh thuận tự nhiên. “Hãy cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt nếu bạn có các yếu tố rủi ro khiến ca sinh nở trở nên phức tạp hoặc sống quá xa bệnh viện”, Milli Hill, nhà sáng lập tổ chức Positive Birth Movement khuyên.

Read More